Ba ngày cuối tuần 21-23/6 cơ quan tổ chức chơi hè, đưa hai tour mọi người lựa chọn là Nha Trang và Phú Quốc, Nha Trang đi vài lần rồi nên đến tuyệt đại đa số chọn Phú Quốc (trừ những người kẹt không đi được có hai chàng: Wenton thi sĩ sắp tới đi PQ với gia đình nên chọn NT, còn nhà Truyền-Dục ưu tú chọn NT đi tàu vì… nỗi sợ thầm kín ám ảnh máy bay xịt lốp), huyện đảo xa nhất và có diện tích lớn nhất Việt Nam nằm tít vịnh Thái Lan sát xứ Cao Miên. Từ Đà Nẵng mới có chuyến trực chỉ Fukuok. Năm nay nóng kinh hồn bạt vía, đã liên tiếp nhiều đợt lại còn dài ngày, trưa rời phòng làm việc ra về mới biết thiên đường và địa ngục chỉ cách nhau mỗi cánh cửa, nên nhân thể tránh cơn gió lửa gay gắt đang hoành hành miền Trung.
Hơn 12h trưa xuất phát vô sân bay Đà Nẵng, gặp hôm đông đen xếp hàng làm thủ tục vòng vèo rồng rắn chồn chân mỏi gối. Đây là lần đầu tiên cưỡi phi cơ, bởi trước giờ chẳng có chuyện gì cần kíp cả, xa nhất Hà Nội Nha Trang đi tàu thoải mái, mỏi chân đi dạo, hứng lên xuống toa canteen lai rai tán dóc ngắm cảnh. 16h30 bay nhưng delay 30 phút, từ sân nhà ga lăn ra taxiway độ dăm phút, rồi ra tiếp runway chừng dăm phút nữa, dừng lại chuẩn bị rồi tăng tốc phóng nhanh như Sở Khanh quất truy phong mã, đạt đủ tốc độ liền kéo cần lái vọt lên trời. Đoạn ngóc đầu lấy độ cao hơi lâu, cảm nhận được lực G ép mình vào ghế, tai ù liên tục, gần mươi phút mới trở lại trạng thái bay bằng, dễ chịu hẳn. Lúc cất cánh hoặc qua vùng không khí loãng hẫng một tí thua cả thang máy, nên ấn tượng nhứt của lần đầu là tận mắt thấy mấy chiếc trực thăng và tiêm kích quân sự ở sân bay Đà Nẵng, có 5 con Mi-8, nhiều MiG-21 phủ bụi nằm trong nhà vòm và 2 Su-22 xanh mực đậu trên sân đang bảo dưỡng gì đó.
Ngồi ghế sát đường đi chẳng ngắm cảnh được gì, gặp hôm nhiều mây, thời tiết xấu, máy bay rung lắc, thì ra cánh máy bay cũng có độ rung đàn hồi. Tưởng khoang hành khách cách âm tốt hóa ra cũng nghe vù vù, ngồi cạnh hai nữ tử trong có một bạch phát nữ dáng tiên phong đạo cốt, như cặp vịt Donald cạp cạp liến thoắng suốt cuộc hành trình, tế nhị đeo phone cũng không yên, đã có English Singlish Hinglish nay lại có Danalish (tiếng Anh thổ âm Wẳng Nôm Đà Nẽng), mười từ hết hai ba chêm ngoại ngữ, chợt thấy mình nhỏ bé tự ti lạc hậu trong thời kách mệnh 4.0. Có mấy thằng gian gian nháy mắt ra vẻ anh “trúng số”, biết mô hai “dai nhân” (nói dai) ni làm anh mi ê hết cả đầu lẫn đít.
Dự kiến hai tiếng nhưng chừng tiếng rưỡi đã hạ độ cao, la bàn chỉ ngoặt vào hướng Tây, biển đảo Phú Quốc hiện ra dưới cánh. Xuống thấp không khí đậm đặc, lực ma sát lớn, thân máy bay kêu sột sột như lốp xe đi qua vùng nhựa đường mới rải. Tiếp đất nhẹ nhàng, không cảm giác được bánh mũi chạm đường băng khi nào luôn. Hôm sau có vài ông chê phi công lái kém, lối gió đường mây chứ có phải quốc lộ thôn lộ đâu mà cua quẹo né ổ trâu ổ gà, trừ khi bão lớn mới vòng tránh hoặc quay lui, còn thì tuân thủ lộ trình không lưu điều khiển, bây giờ máy bay chở khách ngoài khâu cất, hạ cánh manual, còn lại hầu như auto-pilot hết (ai coi YouTube kênh Flight Simulator sẽ rõ).

Hoàng hôn trên Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc
Sân bay Dương Đông, chú em hướng dẫn viên trẻ tuổi vui tính hoạt ngôn tạo thiện cảm ngay lần đầu gặp gỡ, nghĩ lại chú hướng dẫn đưa đoàn vô ĐN mà chán, giọng miền Bắc và Nam Trung Bộ trở vô dễ nghe hơn, giọng nữ Huế dạ thưa ngọt ngào mê hồn người nhưng giọng nam có vẻ “cục mịch” (chỉ để “ru” khi chỉ có hai người chăng?!), phù hợp hơn với những chủ đề trang trọng, học thuật như giới thiêu về văn hóa, lịch sử. Gói gọi khoảng thời gian 2 ngày thì chỉ đi được nửa phía nam hòn đảo, địa điểm tham quan có thể thay đổi cho phù hợp với thời gian và thời tiết. Trời mát mẻ, gió biển mang hơi muối rít rát, trưa không ngủ, người uể oải, chỉ muốn về ngay khách sạn tắm miếng tỉnh táo nhưng xe tour ghé thẳng nhà hàng, 22 người ngồi 2 bàn, bàn ăn ở đây vuông vức vừa cao vừa nặng, mỗi cạnh 3 người chật chội đụng nhau, muốn gắp món gì giữa bàn phải trịnh trọng đứng lên nhoài người bắt mợt. Thưởng thức đồ biển muốn biết ngon dở cứ thử các món luộc hấp chớ ăn đồ tẩm ướp gia vị sẵn, tôm mực đây có vẻ nhạt nhẽo, cả mấy nơi đều rứa, nghe nói hải sản vùng biển miền Trung từ Đà Nẵng trở ra là ngon nhất. Tui trừ họ ốc nghêu không thích, đồ sống mù tạc càng không đụng, còn lại tôm cua cá mực dăm miếng đã ngán, ngửi mùi sa tế hoặc nướng mỡ hành lại càng ghét trông mau dọn khuất mắt.
Mỗi lần đi đâu khoái ghé thăm các điểm danh lam thắng cảnh, di tích văn hóa lịch sử cổ kính, là những nơi cảnh vật đẹp, in đậm vết dấu tiền nhân, còn mấy di tích lịch sử cách mạng không ưa, bởi phần lớn chỉ là cá nhân X tổ chức Y từng làm gì (ghé thăm/ sinh sống/ làm việc/ chiến đấu/ học tập/ thành lập v.v…) tại nơi này, hết.
Trước khi đi Gúc thử mấy điểm, chọn được An Thới, cáp treo Hòn Thơm dài gần 8km băng trên biển đảo tha hồ ngắm cảnh, ngoài ra làng chài cổ Hàm Ninh và suối Tranh, còn mấy điểm tham quan như Dinh Cậu, chùa Hộ Quốc, chùa Sư Muôn hoặc các cửa hàng mua sắm thôi khỏi. Dinh Cậu chỉ là cái miếu nhỏ xây trên mỏm đá nhô ra biển. Chùa Sư Muôn như ngôi nhà bình thường với cửa sắt lắp kính, màu sắc trang trí hơi lòe loẹt phong cách chùa miền Nam. Để ý thấy chùa miền Nam thường màu mè sơn son thiếp vàng hào nhoáng kiểu Tàu, chùa lớn ngoài Bắc lễ vật lớn, nhiều, phô trương. Thích các ngôi chùa làng giản dị gần gũi ở các vùng nông thôn, là chốn nghỉ ngơi của dân làng những trưa đồng áng, là nơi sinh hoạt văn hóa của một vùng. Chùa Huế chọn những nơi hẻo lánh yên tĩnh, kiến trúc hài hòa cùng thiên nhiên, đúng nghĩa “cửa thiền” với những lần vãng cảnh khiến cho tâm tư lắng dịu.
Ngày đầu tiên ghé thăm cơ sở sản xuất ngọc trai Long Beach Pearl, tỷ lệ cứ 10 con trai biển được cấy nhân thì 4 con có ngọc, nhưng bọn biểu diễn mổ con nào con nấy có tuốt, lũ trai chết này như xác hiến tặng trường y vậy.

Mổ trai lấy ngọc

Ngọc bất trác bất thành khí
Đến nhà tù Phú Quốc, ông anh rể từng bị giam đây ở khu nhà số 4, bị đệ nhất hung thần thượng sĩ Bảy Nhu trấn nước thùng phuy lên bờ xuống ruộng, có tượng sáp tái hiện luôn. Kể có khai chớ, không nó đánh chết thiệt thân cũng không lợi chi cho tổ chức, nhưng nói những thông tin vớ vẩn chẳng giá trị gì. Vô nhà tù đầu tiên thấy mấy cũi thép gai giữa sân, cao không đủ ngồi thẳng lưng và dài không đủ duỗi thẳng chưn, cứ lom khom trên nền xi măng dưới cái nắng bỏng rát, gặp tui có bi nhiêu bí mật nôn bằng hết, từng 3 ngày đêm tư thế gần như vậy trên chái bếp nhà cũ trong cơn lụt khủng khiếp năm 1999, có những điều rất đỗi bình thường không nhận ra nhưng có lúc nó chính là hạnh phúc, chẳng hạn được vươn vai duỗi chân một cú.
Trong cuốn hồi ký của mình nhà văn Vũ Thư Hiên kể lại như sau:
“Trong nhà tù cuộc đánh nhau với bản thân không bao giờ kết thúc. Chỉ có thể thắng từng trận một. Câu chuyện năm xưa với ông Đặng Xuân Thiều trở về trong trí nhớ.
Biết ông được các đồng chí gọi là “anh hùng thành Ký Con” vì ông đã chịu đựng được hai mươi bảy trận đòn tra khảo liên tục, tôi hỏi ông: Chú ơi, làm thế nào mà chú chịu đựng giỏi thế?
Ông cười hà hà: Giỏi gì! Tao cứ cố chịu từng trận một, chịu được đến đâu biết đến đấy. Có thể trận thứ hai mươi tám thì tao gãy, biết đâu đấy, ai dám nói chắc, nhưng chúng nó mệt, chúng nó bỏ cuộc thì tao được anh em bốc lên tôn làm anh hùng, chứ anh hùng cái gì đâu!
Ông không khiêm tốn giả vờ. Ông nói sự thật “chúng nó mệt, chúng nó bỏ cuộc”, nhưng chất anh hùng thật lại ở chính trong lời thú nhận “biết đâu đấy, ai dám nói chắc”.

Các khu giam giữ

Có công đào đất có ngày nên hang
Tiếp theo quần đảo An Thới lên du thuyền câu cá lặn ngắm san hô (bãi san hô chết queo), ai câu được đem nhà tàu chế biến xơi liền cho nóng sốt. Ngồi xuồng nhỏ chở ra tàu lớn, chở lần mười mấy người, lái xuồng thân còn nhỏ thua động cơ vậy mà cong người như cánh cung gồng mình vận sức ghì càng lượn vèo vèo rất điệu nghệ vãi cả lúa. Một tàu ghép 3 đoàn khách, hỗn tạp. Hướng dẫn viên thuật lời tay tài công kể tao kinh nghiệm chục năm nay chưa thấy khách nào câu được cá, cũng dặn trước thông cảm bởi đầu bếp toàn là đờn ông ngư dân vụng về. Thiệt tình, cả tàu hình như chỉ mỗi một chàng trong đoàn giựt được… 01 con cua nhi đồng cỡ hai ngón tay loại mới nứt mắt chưa biết sợ trời cao đất dày là gì mới to gan phá mồi. Ngỡ ngư dân chất phác, ai dè tùy tiện bày mấy dĩa hải sản ra bàn, đề nghị ủng hộ nhà tàu, ăn con nào tính tiền con nấy, bọn này đánh vào tâm lý sĩ diện của khách, chẳng lẽ ngồi suông trơ mắt nhìn, đểu thế. Đợi khách lặn biển chán chê, đến 13h mới bày bữa trưa, quả thực chặt to kho mặn, nhưng khi đói thì mầm đá cũng gắng nhá được vậy.

Du thuyền neo ngoài xa

Bơi lặn ngắm san hô
Trên đường về ghé chùa Hộ Quốc, lỡ tới thì vô cho biết, chứ Huế được mệnh danh thủ đô Phật giáo với hàng trăm tổ đình trầm mặc cổ kính mà còn đi nghía chùa nơi khác thì đúng là rỗi hơi chở củi về rừng. Dạng chùa du lịch tâm linh sau này như Linh Ứng Đà Nẵng, chọn địa thế đẹp lưng tựa núi quay mặt ra biển, dùng vật liệu tốt, vườn cây cắm bảng toàn VIP trồng, chùa quy mô bề thế tạo tâm lý bị áp chế, vẻ cao cao tại thượng không mấy thân thiện, nghe giọng mấy người làm công đều dân Bắc. Có tiếng nhạc du dương ngân nga, cứ tưởng phát ra từ loa ẩn đâu đó, té ra là chuông gió nhạc thiền, thật ấn tượng. Bà chị phát hiện dung nhan pho tượng Quan Âm Bồ Tát tạc không được hiền từ cho lắm, ngước lên dòm đúng là khá… manly hehe.

Một góc chùa Hộ Quốc
Sáng ngày thứ hai không đủ thời gian đi cáp treo Hòn Thơm, tiếc nhất trong chuyến đi là cái vụ này, nhì là món cầy tơ, mài răng ra Fukouk mà không đánh chén giống chó nổi tiếng cũng uổng, biết khi nào có dịp đi lại. Sau nghe chú hướng dẫn nói sáng nay nó dừng cáp sửa chữa chi đó, cũng có chút an ủi. Vậy là cả buổi sáng nằm khoèo chẳng được tích sự chi, nhờ lão Rùa mua giúp vài chai rượu sim làm quà. 11h30 trả phòng lên đường.

Cửa biển bên Dinh Cậu

Cầu cho quốc thái dân an, riêng con có một đống vàng thiệt to

Các mỏm đá bị phong hóa, không rõ hàng chục triệu năm trước nước biển cao mức này hay do quá trình kiến tạo nền được nâng lên

Dinh Bà ngay bên cạnh
Dinh Cậu, y như Gúc mách, là cái miếu nhỏ xây trên mỏm đá nhô ra biển, đi loáng cái xong, hễ nghe cô cậu biết ngay đạo Mẫu. Đến vườn hồ tiêu, vài chục luống mang tính biểu diễn. Ghé chỗ rượu sim, sim không được chế biến từ cách ủ trái cây lên men mà đem quả sim chín xay nhuyễn ra nước mật, từ đó pha chế ra xi rô, hoặc muốn rượu bao nhiêu độ thì hòa với rượu trắng bây nhiêu độ, nhấm thử loại nặng đô mà ngọt lừ rất khó uống, lỡ hứa với Dzịk lão đệ chứ thèm vào mua, Biên Hồ bạch tửu Thủy Dương thôn Hương Thủy huyện ngon hơn nhiều.

Bọ ngựa bắt ve sầu, chim sẻ rình trước mặt hehe…
Lẽ ra Suối Tranh mà trời mưa nên đổi qua làng chài Hàm Ninh, bây giờ miền Nam đang mùa mưa, không dai như Huế mà ào ào từng cơn rồi tạnh liền. Từ bãi đậu xe tới chân cầu cảng đã hơn 500 mét, hai bên cầu là các nhà sàn với lồng nuôi nhốt hải sản dưới biển. Đi thêm hơn nửa cây số nữa vẫn chưa tới điểm cuối mà phải lết thêm chừng ấy nữa (dài gần nghìn mét), trong khi vẫn hai bên hàng quán chả có gì hay lạ, tặc lưỡi quay lui lên xe ngồi cho mát. Nhiều người phàn nàn lẽ ra nên ghé đây từ chiều trước ăn nhậu cho thỏa thích, chứ còn vài tiếng ra sân bay tới giương mắt nhịn thèm rõ vô duyên. Trở lại Suối Tranh, mỏi rã giò nhác không đi nữa, một nhóm nhỏ ngồi lại, còn kéo hết vào nhưng nửa chừng xuân thoắt… lếch thếch quay lui, vài người lên tận ngọn nguồn, về hỏi thì cũng rứa, không khác mấy con suối ở Huế.

Một góc biển làng chài Hàm Ninh

Tour guide hát tặng chia tay đoàn

Tạm biệt, Hòn Thơm và cầy tơ Phú Quốc cứ chờ đó!

Một cách dịch máy móc (device: thiết bị). Lẽ ra đơn giản chỉ là “”Giá để đồ phải được gấp và cài lại khi máy bay lăn, cất và hạ cánh” (chắc chắn không ai hiểu nhầm “đồ” là “hành lý”)
Lần này ít khách nên làm thủ tục nhanh, bay đúng giờ. Tổ lái này thay vì lấy cao độ một lèo như lần trước lại lấy cao độ theo từng chặng ngắn, ngóc lên một lát lại bình phi một lát, dễ chịu ít bị ù tai. Không rõ do kỹ thuật lái hay thời tiết. Nữ tiếp viên trưởng đọc tiếng Anh như tiếng Việt và lua lua đọc nối từ tiếng Việt như tiếng Anh, chả hiểu nói mẹ gì. 21h đáp xuống Đà Nẵng, 23h về tới nhà, trời trong mây quang sao khuya lấp lánh, nhưng không hiểu sao xe gặp lắm vùng không khí nhiễu động làm ba thằng cha ngồi sau cùng nảy tưng tưng thất điên bát đảo.
Điểm lại chuyến đi vui vẻ, an toàn. Nhờ cây guitar lão Rùa mang theo nên đêm đầu tiên là một đêm vui vẻ thống khoái. Tỉnh bạn làm du lịch rất giỏi, dù chẳng có gì nổi trội ngoài biển đảo, đặc sản thì ít. Cỡ mười lăm năm trước vẫn là chốn khỉ ho cò gáy, nay đang cực kỳ sốt đất, đội ngũ cò đất đông đen phát tờ rơi trắng đường, nghề dễ kiếm tiền nhất hiện nay là ngành du lịch, trong các resort (chắc hẳn có căn nguyên vì sao bỗng dưng phất lên, thu hút đầu tư ào ào). Khi nào sẽ tìm số liệu thống kê so sánh xem sao. Huế lợi thế hơn hẳn, tiềm năng du lịch phong phú, từ danh lam thắng cảnh tới di tích lịch sử, văn hóa vật thể lẫn phi vật thể, địa hình đa dạng từ rừng núi suối thác đến đầm phá biển đảo. Xem thông tin quảng bá vừa hay vừa đẹp nên ai cũng muốn đến Phú Quốc, nhưng thực sự chỉ cần hai ba ngày đi các điểm nổi bật sẽ hết veo, trong khi tham quan đầy đủ Hoàng Thành, vài địa điểm chính liên quan như Bảo tàng Cổ vật cung đình, Cung An Định và các lăng tẩm lớn, nếu có người thuyết minh tường tận (để ra về phải hiểu biết không ít thì nhiều về nơi đã đến) cũng đã mất hai ngày mà vẫn còn tha hồ các điểm chờ khám phá./.